Hoang mang vì chanh dây đồng loạt rớt giá
Chanh dây - Loại cây "siêu lợi nhuận" ở Gia Lai?
Biên Phòng - Chanh dây đang trở thành loại nông sản "hái ra tiền" ở Gia Lai, khi tư thương lùng sục khắp các buôn, làng để thu mua. Chỉ 1.000m2 trồng chanh dây, sau 6 tháng đã cho thu hoạch từ 10-12 tấn, trừ chi phí đầu tư, người dân lãi vài trăm triệu đồng một năm. Vì thế, việc người dân ồ ạt phá bỏ cà phê và các cây trồng khác, để trồng chanh dây là điều dễ hiểu, song không ai dám chắc tương lai của cây "siêu lợi nhuận" này rồi sẽ ra sao?
Thương lái thu mua chanh dây ở xã Đăk Djrăng. Ảnh: Hoài Thương
"Gửi niềm tin" vào chanh dây
Hiện nay, ở tỉnh Gia Lai, do giá chanh dây đang ở mức cao, lên đến 48 nghìn đồng/kg hàng chọn, hàng xô cũng phải 38 nghìn đồng/kg. Có hàng là tư thương vào tận nhà để thu mua. Vào thời điểm hiện tại, ai có được 1ha chanh dây là có thể kiếm bạc tỷ dễ như bỡn, trong khi tiền đầu tư trồng chanh dây chỉ tầm 200 triệu đồng/ha.
Địa bàn đang trồng chanh dây ồ ạt nhất phải kể đến huyện Mang Yang. Theo thống kê của huyện Mang Yang, hiện tại, toàn huyện có khoảng 180ha chanh dây, tập trung ở các xã: Đăk Djrăng, Đăk Yá, Đăk Taley, Lơ Bang, thị trấn Kon Dơng… Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, diện tích trồng chanh dây đã tăng thêm 50ha và có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới. Trong đó, Đăk Djrăng là xã có diện tích trồng chanh dây tăng nhanh đến chóng mặt. Chỉ từ đầu năm 2016 đến nay, số hộ trồng chanh dây tăng theo cấp số nhân, diện tích thống kê chưa đầy đủ của xã đã cho thấy chanh dây phát triển nóng đến mức nào.
Chị Phạm Thị Song Thương, xã Đăk Djrăng (Mang Yang) hồ hởi khoe: "Nhà tôi trồng 118 gốc chanh dây trên diện tích 4 sào, hiện tại, giá chanh dây rất cao, tôi mới bán một đợt mà đã thu hồi được vốn, còn số lượng chanh dây chưa chín kịp, tôi sẽ bán dần".
Hộ ông Nguyễn Văn Thức, ở thôn D'Gơr, xã Đăk Djrăng quyết định phá bỏ 300 gốc cà phê kinh doanh để chuyển sang trồng chanh dây. Theo tính toán của ông Thức, năm ngoái giá cà phê xuống thấp, thêm nữa lại hạn hán mất mùa khiến hơn 1.500 gốc cà phê của gia đình ông chỉ thu được 4 tấn cà phê nhân, sau khi trừ chi phí đầu tư, chẳng còn lời lãi gì.
Lý giải việc phá 300 gốc cà phê trồng từ năm 1995 đang cho thu hoạch để trồng chanh dây, ông Nguyễn Thiệp (thôn Tân Phú, xã Đăk Djrăng) nói: "Vườn cà phê lâu năm đã già cỗi, không còn năng suất, hơn nữa, giá cả lại giảm nên gia đình tôi quyết định chặt cà phê để lấy đất trồng chanh dây".
Cùng chung suy nghĩ, với ông Thiệp, ông Hoa Văn Trung cũng quyết định phá bỏ 400 gốc cây cà phê để trồng chanh dây. "Hai đứa con tôi trồng có 230 gốc chanh dây mà cứ 2 ngày thu hoạch một lần, bán được 6 triệu đồng. Nếu lúc giá chanh dây rớt xuống chỉ còn 5 nghìn đồng/kg, thì cũng lời gấp đôi so với trồng cây cà phê. Đã thế, vốn đầu tư trồng chanh dây lại ít, chăm sóc đơn giản không đòi hỏi kỹ thuật nhiều như trồng cà phê" - ông Trung chia sẻ.
Trong khi đó, cà phê một năm mới thu được một lần, 1kg cà phê tươi chỉ có 7 nghìn đồng. Còn chanh dây thì chỉ 3 tháng là cho thu bói, 6 tháng là thu rộ. Đem so sánh giá chanh dây 38 nghìn đồng/kg với cà phê 7 nghìn đồng/kg là quá chênh lệch. Đấy là chưa kể đến chuyện 1ha cà phê chỉ cho chừng 15-20 tấn cà phê hạt tươi tùy mùa vụ, cũng như đất tốt xấu, trong khi năng suất chanh dây lên đến 10-12 tấn/sào, tức là 100-120 tấn/ha. Giá cà phê bán ở thời điểm hiện tại chưa được 34 nghìn đồng/kg, thì 1ha cà phê chỉ được chừng 100-130 triệu đồng/ha. Đem so sánh với 3-4 tỷ đồng tiền thu được từ 1ha chanh dây, việc người dân phá bỏ các loại cây trồng khác cũng là điều dễ hiểu.
Bà Sen, một thương lái chuyên thu mua quả chanh dây trên địa bàn huyện Mang Yang cho biết, trung bình một ngày gia đình bà thu mua từ 2-3 tấn, sau đó mang về sơ chế, bỏ vào thùng đóng gói rồi xuất bán sang Trung Quốc. "Giá chanh dây cũng lên xuống thất thường lắm. Có lúc giá xuống chỉ 8 nghìn đồng/kg. Nếu Trung Quốc không mua nữa thì tôi cũng dừng thu mua; khi đó, bà con không có chỗ bán thì lại quay về trồng cây cà phê hay chuyển qua trồng cây khác" - bà Sen cho biết thêm.
Chính quyền nói gì?
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có lợi là chuyện bình thường của người dân, nhưng việc nhiều hộ dân thấy trồng chanh dây kiếm lời 300-400 triệu đồng/sào/năm, đã phá bỏ cà phê và các loại cây khác có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây ra nhiều hệ lụy xấu như đã từng xảy ra. Điệp khúc chặt - trồng chạy theo cái lợi trước mắt và những bài học kinh nghiệm đã từng xảy ra, người dân vẫn chưa học thuộc.
Nhiều hộ gia đình ồ ạt chặt cà phê để lấy đất trồng chanh dây. Ảnh: Quốc Dinh
Ông Nguyễn Bá Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Djrăng nói: "Đây là tình trạng bất thường. Chúng tôi không khuyến khích bà con trồng chanh dây, bởi lo ngại chưa biết đầu ra ở đâu, nếu chỉ dựa vào Trung Quốc, giá chanh dây có lúc sẽ rớt thê thảm, đến lúc đó chỉ có người nông dân chịu khổ. Chúng tôi đã tuyên truyền, khuyến cáo bà con trong các cuộc họp, nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng này xảy ra".
Theo ông Phạm Ngọc Cơ, nguyên nhân khiến người dân chặt phá các loại cây trồng khác đổ xô đi trồng chanh dây, vì đây là cây "siêu lợi nhuận" khi đầu tư 100 triệu đồng/ha, lại cho thu hoạch tiền tỷ. Một nguyên nhân khác khiến người dân ít mặn mà với việc tái canh cây cà phê là vì khí hậu ở đây khắc nghiệt, hạn hán kéo dài và giá cả trên thị trường đang giảm mạnh.
Trao đổi với chúng tôi về việc dân ồ ạt trồng chanh dây cũng như đầu ra cho sản phẩm, ông Phạm Ngọc Cơ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mang Yang cho biết: "Phòng đã có ý kiến lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai về vấn đề đa dạng hóa cây trồng cho người dân, để giảm thiểu rủi ro cho đầu ra của nông sản. Riêng đầu ra cho cây chanh dây, thì đây mới là thời điểm ban đầu, chủ yếu bán trên thị trường tự do. Về lâu về dài, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã đặt vấn đề xây dựng nhà máy nước ép trái cây trên địa bàn huyện. Huyện đã đồng ý về mặt chủ trương, hy vọng đề án này sẽ được triển khai và góp phần ổn định đầu ra cho cây chanh dây".
Liên quan đến thông tin đất sẽ thoái hóa khi trồng cây chanh dây, anh Huỳnh Minh Nghĩa, kỹ sư nông nghiệp, Tập đoàn Lộc Trời tại Gia Lai cho biết: Hiện nay có nhiều nguồn thông tin cho rằng, cây chanh dây sẽ gây thoái hóa đất nghiêm trọng, sau này khó tái trồng cây cà phê. Tuy nhiên, thông tin này chưa được kiểm chứng, chưa có căn cứ, nếu bà con biết cải tạo đất tốt, sau hai năm tái trồng cây cà phê theo đúng quy trình sẽ không ảnh hưởng gì".