Sản xuất chanh dây theo hướng phát triển bền vững

Sản xuất chanh dây theo hướng phát triển bền vững

Mặc dù giá cả luôn biến động, nhưng nếu trồng chanh dây với quy mô vừa phải, nguồn giống bảo đảm và theo các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt thì vẫn mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện nay, chanh dây đã được Bộ Nông nghiệp-PTNT công nhận là cây trồng mới và Đắk Nông được đánh giá là địa phương có nhiều vùng đất phù hợp, nên cần có hướng quy hoạch, phát triển bền vững.
Ông Lê Chí Hiều (bên trái) ở thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) trao đổi kinh nghiệm trồng chanh dây với người dân trên địa bàn. Ảnh tư liệu
Sản xuất theo tiêu chuẩn Gap
Anh Nguyễn Duy Cẩn ở thôn 7, xã Đắk Ha (Đắk Glong) có kinh nghiệm trồng chanh dây gần 10 năm nay chia sẻ: Trước đây, có thời điểm gia đình tôi trồng 15 ha, nhưng hiện nay đã giảm diện tích. Một năm trước, gia đình tôi đã trồng chanh dây theo tiêu chuẩn GlobalGap, trong quá trình chăm sóc phải theo quy trình, bảo đảm an toàn sinh học, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hàm lượng dinh dưỡng cao. So với cách trồng truyền thống, vườn cây ít bị sâu, bệnh hại, năng suất cao hơn, đạt 40 tấn/ha, giá bán lại cao hơn từ 4-5 triệu đồng/tấn. Mùa mưa năm nay, gia đình tôi trồng 6 ha theo tiêu chuẩn GlobalGap để xuất khẩu sang châu Âu.
Bà Phạm Thị Quê, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Tia Sáng (Gia Nghĩa) phân tích: Nông dân muốn phát triển kinh tế bằng cây chanh dây thì phải sản xuất theo các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt như VietGap và GlobalGap. Hiện nay, HTX được Liên minh HTX Việt Nam chọn sản xuất chanh dây hữu cơ theo chuỗi giá trị và đã trình UBND tỉnh phê duyệt. Khủng hoảng thừa chanh dây trong thời gian tới nhìn thấy rồi, nhưng sản phẩm chanh dây hữu cơ thì rất thiếu nên HTX sẽ đi theo hướng này. Đầu năm 2017, HTX sẽ liên kết với các thành viên trồng 30 ha chanh dây tại địa bàn huyện Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa.
Bên cạnh đó, HTX sẽ bao tiêu, thu mua để sơ chế bán cho các công ty ở Long An, Tiền Giang về chế biến sâu hơn là tách hạt và cô đặc xuất khẩu sang châu Âu. Quả tươi, thị trường trong nước chủ yếu dùng chế biến nước giải khát, còn lại chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi thị trường châu Âu lại rất chuộng sản phẩm đã qua sơ chế, cô đặc. Vì vậy, tương lai, muốn cây chanh dây có giá ổn định thì phải sản xuất hữu cơ và xuất khẩu sang châu Âu, lợi nhuận sẽ tăng gấp 2-3 lần.
Tương tự, HTX chanh dây Kiến Đức (Đắk R’lấp) cũng liên kết với các thành viên trồng 20 ha chanh dây theo tiêu chuẩn GlobalGap để xuất khẩu sang châu Âu.
HTX Tia Sáng (Gia Nghĩa) dự kiến đầu năm 2017 sẽ trồng chanh dây theo tiêu chuẩn GlobalGap và chế biến để xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: Thanh Nga
Xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến
Thực tế, cây chanh dây được đánh giá phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết ở nhiều vùng của Đắk Nông như Đắk Glong, Đắk R’lấp, Gia Nghĩa... Những năm gần đây, cây chanh dây đã được các cơ quan chuyên môn tập trung nghiên cứu. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã thực hiện đề tài thử nghiệm sản xuất giống chanh dây ghép trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và cho năng suất, chất lượng cao. Sở Khoa học-Công nghệ đã tổ chức Hội thảo khoa học phát triển bền vững cây chanh dây trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Xuất phát từ chương trình hợp tác giữa tỉnh Đắk Nông với Viện Cây ăn quả miền Nam, năm 2015, hai bên đã triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng quy trình phòng, chống virus và mô hình sản xuất tiên tiến trên cây chanh dây ở Đắk Nông” triển khai trong 3 năm.
Theo ông Phạm Ngọc Danh, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ, chanh dây bước đầu đã khẳng định về khả năng thích nghi, phù hợp với thổ nhưỡng ở nhiều vùng của tỉnh và có tiềm năng, hiệu quả kinh tế to lớn, ít có loại cây trồng nào hiện nay sánh nổi.
Chanh dây là cây ăn quả cần phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, nhưng vài năm gần đây bị ảnh hưởng bởi nhiều loại sâu, bệnh, nguy hiểm nhất là virus làm cho năng suất, chất lượng giảm. Từ thực tế này, Sở đã triển khai thực hiện đề tài và tập trung nghiên cứu xây dựng quy trình phòng, chống virus và xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến trên cây chanh dây ở trên địa bàn tỉnh.
Mô hình thứ nhất được trồng ngoài tự nhiên, nhưng được cải tiến từ mô hình truyền thống, với việc áp dụng các kỹ thuật như làm giàn, cách chăm sóc phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, tránh gió, bảo đảm năng suất, chất lượng cao, dễ chăm sóc, thu hoạch…để nông dân thực hiện đại trà được.
Mô hình thứ hai là trồng trong nhà lưới và áp dụng quy trình tiêu chuẩn GlobalGap để chống côn trùng chích hút, một trong những nguyên nhân gây virus và đáp ứng tiêu chuẩn hội nhập vào thị trường thế giới nhằm nâng cao giá trị của quả chanh dây.
Đề tài hứa hẹn sẽ giúp Đắk Nông phát triển chanh dây theo hướng bền vững. Chanh dây sẽ trồng và thu hoạch trong vòng 18 tháng, năng suất đạt từ 60-80 tấn/năm, tỷ lệ quả có chất lượng tốt khá cao sẽ tăng lợi nhuận cho người trồng.
Chanh dây là cây trồng có triển vọng tham gia vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn tỉnh, chanh dây bước đầu đã hình thành được các vùng nguyên liệu và hệ thống các cơ sở  sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Do đó, việc định hướng, quy hoạch, có quy trình sản xuất cây chanh dây một cách phù hợp là điều cần thiết, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao.